Giữ duyên quan họ



Để lời ca, tiếng hát mượt mà được lan tỏa, những người yêu dân ca quan họ của vùng đất Kinh Bắc đã cùng nhau lập nên các Câu lạc bộ (CLB). Ở đó, thế hệ đi trước truyền lửa cho những lớp đi sau, với tâm nguyện có được sự kế tục trong bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. CLB quan họ Đương Xá, phường Vạn An, TP Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh) là một trong những mái nhà chung của nhiều tấm lòng tâm huyết với văn hóa nghệ thuật truyền thống.
Truyền lửa đam mê
CLB quan họ Đương Xá ra đời cách đây 26 năm với 18 liền anh, liền chị có cùng tình yêu với quan họ. Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Quýnh, Chủ nhiệm CLB quan họ Đương Xá bồi hồi nhớ lại: “Làng Đương Xá, phường Vạn An vốn là làng quan họ gốc. Trước đây, vào những thời điểm nông nhàn, những nam thanh, nữ tú của làng lại tụ tập giao lưu. Thường là chúng tôi hát đối nhau trong không gian tĩnh lặng, trong đó có người hát chính, người hát phụ, người hát dẫn và hát luồn. Khi vui thì hát nhanh, lúc buồn thì hát chậm hoặc đôi lúc dừng lại ngẫm nghĩ. Lời ca mượt mà của quan họ cứ ăn sâu vào máu thịt và theo chúng tôi suốt những năm tháng thanh xuân. Tuy nhiên, theo thời gian, các thể loại âm nhạc mới cùng nhiều hình thức giải trí khác xuất hiện khiến cho người hát, yêu quan họ ngày một vơi dần đi. Đau đáu trước sự mai một nét văn hóa mang tính biểu tượng của quê hương, chúng tôi quyết định thành lập CLB quan họ Đương Xá để có một không gian sinh hoạt chung. Ở đó, chúng tôi cùng nhau biên soạn, xuất bản tài liệu về giảng dạy dân ca quan họ, nhất là quan họ cổ và khuyến khích mọi người cùng tham gia. Từ những liền anh, liền chị lớn tuổi tham gia những ngày đầu, đến nay, CLB đã thu hút thêm rất nhiều thành viên thuộc nhiều thế hệ từ măng non đến trung niên và cao tuổi”.
Nét đặc sắc của quan họ cổ là làn điệu. Những luyến láy khi hát chính là nhạc. Trong không gian thanh vắng, khi ngân lên không cần nhạc vẫn nghe rõ lời mới cảm nhận được hết cái hay của quan họ. Nhưng, quan họ cổ rất khó hát và rất khó để học. Cho nên, muốn bảo tồn thì phải truyền được niềm đam mê cho thế hệ kế cận, nhất là các cháu ở lứa tuổi măng non. Có đam mê thì mới cảm nhận được cái hay, cái đẹp của những lời ca tiếng hát và có đủ sự kiên trì để theo đuổi. Để làm được điều đó, nhiều năm qua những nghệ nhân CLB quan họ Đương Xá ngày ngày miệt mài, uốn nắn từng lời ca, tiếng hát cho các học trò. Nhờ vậy, sau hơn 20 năm thành lập CLB đã truyền tình yêu quan họ cho hàng trăm liền anh, liền chị.
Đến tham dự buổi sinh hoạt của CLB quan họ Đương Xá mới thấy để học một làn điệu quan họ cổ là điều không dễ dàng. Nhớ được làn điệu và lời mất nhiều thời gian, đòi hỏi sự nhẫn nại của người học. Có khi phải mất cả năm người học mới hát đúng làn điệu. Nhưng nếu không hát được lời cổ thì hát quan họ được ví như “xây nhà không móng”.
Trước thách thức này, để thu hút và giữ chân được các thành viên, cô Tống Thị Vụ, giáo viên tham gia giảng dạy tại CLB quan họ Đương Xá, phường Vạn An, TP Bắc Ninh chia sẻ: Thành viên trong CLB đủ các lứa tuổi cho nên phải chia thành nhiều lớp để tiện sinh hoạt. Chúng tôi tâm niệm rằng, có thêm thành viên tham gia vào CLB là điều hết sức trân quý, cho nên từng nghệ nhân đều ý thức được trách nhiệm và mang hết kinh nghiệm, kiến thức của mình truyền dạy cho người học. Để đạt được kết quả tốt nhất, chúng tôi soạn giáo án và lựa chọn những bài phù hợp với từng lứa tuổi. Đơn cử như đối với các em nhỏ, phải lựa chọn những bài hát phù hợp với lứa tuổi của các em, bên cạnh những bài quan họ truyền thống chúng tôi còn đưa vào giảng dạy những bài hát lời mới, những tập tục, nét đẹp văn hóa của người Kinh Bắc. Chính những việc làm này đã giúp các em hiểu hơn về quan họ và thêm yêu loại hình nghệ thuật độc đáo này, qua đó thích nghi dần với việc tập luyện các bài cổ. Đối với những bạn trẻ lứa tuổi thanh thiếu niên chỉ tham gia CLB vào những dịp hè, chúng tôi chủ yếu dạy những bài dễ như: Ngồi tựa xoan đào, Ăn ở trong rừng, Qua cầu gió bay…
Thẩm mỹ giới trẻ khác rất nhiều so với thế hệ của chúng tôi, nhiều bạn còn muốn thêm nhạc vào bài hát, cách hát và làn điệu cũng không theo được nguyên gốc. Để dân ca quan họ truyền thống không bị mai một, thất truyền chúng tôi vẫn khuyến khích các em tập những tác phẩm khó, những tác phẩm cổ hát giọng lề lối và giọng ả phiền. Như vậy mới thể hiện đúng tinh thần.
CLB quan họ Đương Xá đã biên soạn tài liệu giảng dạy dân ca quan họ để tạo nên các thế hệ tiếp nối. 
Niềm tin vào sức sống trường tồn
Là một trong những thành viên nhỏ tuổi nhất tham gia CLB, em Nguyễn Thanh Tân, Trường tiểu học Vạn An, phường Vạn An, TP Bắc Ninh, cho biết: “Em rất thích dân ca quan họ, nhưng ở nhà không ai am hiểu về môn nghệ thuật này cho nên em đăng ký tham gia sinh hoạt”. Mỗi tuần một buổi luyện tập, sau một năm gắn bó em đã học được cách hát và tự tin thể hiện được nhiều bài đơn giản như bài Giã bạn, lời mới của bài Se chỉ luồn kim. Một niềm vui nữa khi tham gia CLB là đến các buổi học hát em còn được giao lưu với nhiều bạn bè mới và thỉnh thoảng được đi biểu diễn với các liền anh, liền chị.
Đối với những người lớn tuổi, các thành viên không chỉ học hát mà còn cùng nhau sưu tầm các bài quan họ cổ, sáng tác những bài mới và giao lưu cùng với những người yêu dân ca và các CLB khác ở cả trong và ngoài tỉnh. Nghệ nhân Nguyễn Thị Quýnh, hồ hởi: “Năm nào chúng tôi cũng đón hàng trăm đoàn khách đến thưởng thức và tìm hiểu về dân ca quan họ, đáng mừng là ngày càng có nhiều người quan tâm và dành thời gian cho lời ca tiếng hát.
Để các liền anh, liền chị có thêm cơ hội để học hỏi kinh nghiệm, giới thiệu những làn điệu dân ca của mảnh đất quê hương, chúng tôi còn thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu giữa các CLB ở cả trong và ngoài tỉnh”.
Từ chỗ chỉ có 44 làng quan họ gốc, đến nay tỉnh Bắc Ninh đã phát triển thành 329 làng thực hành. Nhờ vậy, những làn điệu được nhiều người biết đến hơn, góp phần làm cho dân ca quan họ có sức sống mạnh mẽ, trường tồn và lan tỏa.
Có được kết quả như ngày hôm nay, ông Nguyễn Xuân Trung, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh đánh giá: “Trước đây, lối sinh hoạt của người quan họ thường chỉ được diễn ra tại các làng gốc. Nếu như cứ giữ thói quen này thì làn điệu dù có mượt mà, có sâu lắng đến đâu cũng khó có thể lan tỏa đến đông đảo quần chúng nhân dân. Đứng trước rào cản đó, năm 2010, ngành văn hóa của tỉnh đã hướng dẫn các làng quan họ gốc và các làng thực hành thành lập các CLB. Để thể hiện sự quyết tâm và nghiêm túc, chúng tôi còn đề nghị các phường, xã ra quyết định công nhận các CLB và hỗ trợ các thiết bị biểu diễn cũng như địa điểm sinh hoạt chung. Nhờ vậy, số lượng CLB quan họ ở Bắc Ninh tăng lên nhanh chóng. Công tác truyền dạy, quảng bá dân ca không chỉ ở phạm vi trong tỉnh và còn lan tỏa tới nhiều địa phương khác”.
Hy vọng với những thành quả đã đạt được, trong thời gian tới, ngành văn hóa tỉnh Bắc Ninh sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá những mặt đã làm được và chưa làm được để từ đó đề ra những giải pháp cũng như định hướng phát triển giúp các CLB quan họ hoạt động hiệu quả hơn, lan tỏa mạnh mẽ hơn và cũng để duyên quan họ ngày càng đằm thắm trong lòng người nghe, người thưởng thức.

Nguồn: http://www.nhandan.com.vn/cuoituan/item/38043902-giu-duyen-quan-ho.html

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Qúa trình phát triển của quan họ Bắc Ninh

Lịch sử, nguồn gốc quan họ Bắc ninh

Tên gọi của quan họ Bắc Ninh