Một số vấn đề đặt ra với thực hành dân ca quan họ Bắc Ninh hiện nay


Nỗ lực bảo vệ và phát huy di sản 
Quan họ là loại hình dân ca thường được hát vào các dịp lễ hội và gặp gỡ bạn bè ở vùng Kinh Bắc xưa. Không chỉ là dân ca, nói đến quan họ là nói đến một loại hình nghệ thuật tổng hợp của lời ca, giọng điệu, lề lối, phong tục, lối chơi, trang phục, ẩm thực, môi trường diễn xướng,… 
Quan họ hiện có 213 giọng, hơn 400 bài ca. Lời một bài ca gồm phần cốt lõi là những lời thơ, ca dao và những tiếng đệm, tiếng đưa hơi, các giọng chia ra thành 4 nhóm giọng chính là giọng lề lối, giọng sổng, giọng vặt và giọng giã bạn tương ứng với ba chặng của một cuộc hát quan họ là chặng mở đầu, chặng giữa và chặng cuối. Lề lối hát quan họ là hát đối đáp từng đôi nam - nữ. Hát quan họ có 8 hình thức: hát đối đáp, hát hội, hát canh, hát thờ, hát cầu đảo, hát kết chạ, hát mừng, hát giải hạn, trong đó có 3 hình thức hát đối đáp, hát hội và hát canh là phổ biến hơn cả. 
Có thể nói, dân ca quan họ Bắc Ninh là một loại hình nghệ thuật tổng hợp hòa quyện với các phong tục, tập quán, tín ngưỡng, lễ hội,… tạo nên một lối hát, một lối chơi mang đậm chất trữ tình, thanh lịch, hào hoa, gắn kết và tính thẩm mỹ cao.
Từ khi dân ca quan họ Bắc Ninh được vinh danh, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với các cấp, các ngành và cộng đồng nhân dân tỉnh Bắc Ninh triển khai thực hiện nhiều đề án, dự án, chương trình nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của dân ca quan họ Bắc Ninh, trong đó chú trọng đặc biệt vào 3 lĩnh vực chính là phục hồi, sưu tầm và tư liệu hóa; truyền dạy; quảng bá, phát huy. Cụ thể là phục dựng các hình thức hát quan họ cổ, đặc biệt là hát canh, các bài quan họ cổ, các phong tục đặc trưng trong sinh hoạt quan họ. Đến nay, các nhà nghiên cứu đã sưu tầm được gần 400 làn điệu và gần 1.000 lời ca quan họ và công việc này vẫn được tiếp tục đẩy mạnh. Các cơ quan nghiệp vụ văn hóa liên quan đã thực hiện được 22 chuyên đề khoa học về các sinh hoạt quan họ, lời ca quan họ cũng như các phong tục tập quán liên quan; xuất bản nhiều cuốn sách giới thiệu về các giá trị văn hóa đặc sắc của quan họ. Câu lạc bộ quan họ không chỉ sôi nổi trong địa bàn tỉnh Bắc Ninh mà theo chân những người con Kinh Bắc có mặt ở khắp cả nước và thế giới, ví như các câu lạc bộ quan họ ở Bắc Giang, Hải Phòng, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Dương, Cộng hòa Séc, Liên bang Nga, Cộng hòa liên bang Đức, Cộng hòa Ba Lan,… 
Việc truyền dạy quan họ được triển khai ở tại 45 làng quan họ gốc, trong các câu lạc bộ quan họ, trong trường phổ thông, Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch tỉnh Bắc Ninh và trong các cơ quan liên quan như Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Giáo dục, Tỉnh đoàn,… Những lớp dạy về quan họ đặc biệt được mở, như lớp học quan họ cho các em từ 5 đến 12 tuổi vào chủ nhật hằng tuần do Thượng tọa trụ trì chùa Phật Tích tổ chức, lớp học hát quan họ của Câu lạc bộ quan họ măng non ở Nội Duệ, Tiên Du dạy cho các em từ 7 tuổi,… 
Tỉnh Bắc Ninh phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân dân ca quan họ Bắc Ninh” (đợt 1) cho 41 nghệ nhân quan họ và 22 nghệ nhân khác được phong tặng Nghệ nhân nhân dân và nghệ nhân ưu tú trong đợt xét phong tặng lần 2 (năm 2018).
Công tác quảng bá dân ca quan họ được đẩy mạnh. Công việc này được thực hiện khá đồng bộ và rộng khắp, từ việc quảng bá quan họ trên pa-nô, áp phích cho đến xây dựng website riêng về quan họ; từ việc quảng bá bài bản trên Đài truyền hình tỉnh (từ năm 2009 đến nay Đài đã sản xuất hàng trăm chương trình dạy hát quan họ trên sóng truyền hình, chương trình “Văn hóa quan họ”, chương trình “Về miền quan họ”, tin tức, phóng sự ngắn tuyên truyền về dân ca quan họ) cho đến việc tổ chức các sân chơi, sự kiện như Hội thi Hát dân ca quan họ đầu xuân, thi giọng hát hay dân ca quan họ, Festival Bắc Ninh, Chương trình nghệ thuật “Về miền quan họ”; từ việc tham gia các sự kiện văn hóa lớn để có cơ hội quảng bá về quan họ như Festival Huế, liên hoan “Diễn xướng dân gian văn hóa dân tộc và trình diễn trang phục dân tộc” đến việc đi biểu diễn, quảng bá quan họ ở nước ngoài. Ngoài ra, ngay tại các cộng đồng cư dân việc tuyên truyền, quảng bá quan họ thông qua những buổi biểu diễn ngay trong cộng đồng, gắn với các sự kiện, các buổi lễ của địa phương và cả các sinh hoạt của người dân.
Có thể nói, từ khi quan họ được vinh danh, cả phía các cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng ở Bắc Ninh đều đẩy mạnh hơn, tích cực hơn trong công tác bảo vệ, phát huy di sản dân ca quan họ song cùng với đó quan họ đã có sự biến đổi trong hầu hết các yếu tố, từ lời ca, cách hát, tiêu chí đánh giá đến trang phục, âm nhạc, tính ứng diễn hay đối đáp, giao tiếp ứng xử,… Quan họ được phục hồi lại một cách mạnh mẽ song các phong tục cổ, các lề lối của lối chơi quan họ cổ đã mai một ít nhiều, thay vào đó hình thức biểu diễn quan họ phát triển và lan tỏa nhanh chóng, tất cả đã tạo nên bức tranh di sản khác với truyền thống và đặt ra nhiều vấn đề đáng được nhìn lại và bàn luận. 
Những vấn đề đặt ra
“Chơi quan họ”, “hát quan họ” hay “xem quan họ”?
Dân ca quan họ Bắc Ninh không chỉ là một loại hình dân ca mà còn là một lối chơi, một sinh hoạt với tất cả những lề luật, phong tục, tín ngưỡng hòa quyện chặt chẽ trong một tổng thể. Nói đến “chơi quan họ” người ta nghĩ đến quan họ cổ, quan họ gốc và lối chơi mang đậm chữ tình của người quan họ, lối chơi ở đây không chỉ là lời ca, phương thức hát đối, hình thức hát canh, hát hội mà còn có thời gian, không gian cho sinh hoạt ca hát, có phong tục như kết bọn, ngủ bọn, kết nghĩa, giao lưu, có tín ngưỡng như hát thờ, hát cầu đảo, hát giải hạn, có trang phục, ẩm thực, ngôn ngữ giao tiếp,… và chính lối chơi này đã làm nên sự hấp dẫn, tính độc đáo và nét đẹp văn hóa để dân ca quan họ Bắc Ninh được UNESCO vinh danh. Tuy nhiên, trong xã hội đương đại lối chơi quan họ như thế đang đứng trước nhiều thách thức trước sự phát triển mạnh mẽ của quan họ mới. Quan họ được đưa lên sân khấu biểu diễn trên nền âm nhạc hiện đại, được dàn dựng thành những hoạt cảnh, được cải biên dưới nhiều hình thức, được biểu diễn bởi các diễn viên chuyên nghiệp, quan họ cũng xuất hiện dưới hình thức karaoke quan họ, mashup quan họ,…tất cả đã khiến cho quan họ mới ngày càng khác xa với quan họ cổ.
Những người nặng lòng với quan họ đã rất cố gắng bảo vệ các làn điệu quan họ cổ, thể hiện bằng nhiều hình thức như phục dựng nhà chứa quan họ - không gian thực hành quan họ cổ, quan tâm đặc biệt tới các nghệ nhân - nhất là các nghệ nhân cao tuổi còn nhớ nhiều giọng lề lối cổ, khôi phục hình thức hát canh, các tục kết nghĩa,… song thực tế cho thấy những cố gắng đó đã không thực sự thay đổi được tình hình, quan họ cổ vẫn đang từng ngày từng giờ mai một, lối chơi quan họ đang dần chỉ còn trong hồi ức. 
Nguyên nhân của thực tế này thì có nhiều, do cuộc sống hiện đại thực sự đã mang tới những nhu cầu mới, những thẩm mỹ khác, những cách lựa chọn đa dạng. Hội làng quan họ hiện nay đã đông đúc hơn, nhiều khách thập phương hơn, các sinh hoạt quan họ dường như chỉ còn là hát quan họ trên sân khấu và mục đích chính là để phục vụ khán giả về dự hội và vì thế, không có cách nào khác là phải hát quan họ cùng với nhạc đệm và dùng loa phóng thanh để kích âm. 
Bên cạnh đó, Bắc Ninh hiện nay đang ở vào trung tâm của đô thị hóa và công nghiệp hóa, dù là tỉnh có diện tích nhỏ nhất cả nước song Bắc Ninh hiện có tới 24 khu và cụm công nghiệp với các nhà máy của các tập đoàn lớn như Samsung, Canon,… trong khi cả 45 làng quan họ cổ của tỉnh lại chủ yếu thuộc về thành phố Bắc Ninh và huyện Tiên Du - nơi có mật độ khu công nghiệp và khu đô thị cao nhất của tỉnh. Vì vậy, không gian hữu tình của các làng quan họ không còn, các sinh hoạt quan họ cũng bị ảnh hưởng bởi nhịp sống công nghiệp, tác phong công nghiệp của đội ngũ những người tham gia,…
Không chỉ vậy, quá trình toàn cầu hóa cũng đã đem các hình thức âm nhạc phương Tây hòa trộn vào quan họ như dùng đàn organ, piano, guitar, trống điện tử… đệm cho quan họ và có xu hướng ngày càng trở nên phổ biến và được giới trẻ yêu thích. 
Thực tế hiện nay cho thấy quan họ cổ, lối chơi quan họ thực sự dường như đứng bên bờ vực thẳm khi các nghệ nhân đã già, người còn, người mất, các làn điệu quan họ cổ ít còn người hát được và được hát, không gian, thời gian, lề lối, làn điệu, các hình thức sinh hoạt quan họ đã thay đổi, nhịp sống, sinh kế của người quan họ cũng đã không còn như xưa, mọi sự phục dựng đều không thể có được sự nguyên gốc của nó. Vì vậy, sự phổ biến của quan họ mới, của việc “xem quan họ”, “hát quan họ” trong đời sống hiện nay cũng là điều dễ hiểu. Trong các làng quan họ gốc dường như cũng đã đều chấp nhận sự song song tồn tại của quan họ cổ và quan họ mới. 
Có hay không xu hướng thương mại hóa quan họ?
Thực sự khó có thể có một ranh giới rõ ràng cho việc phân định sinh hoạt quan họ thế nào được xem là “thương mại hóa” và thế nào là “xã hội hóa”. Các đợt nghiên cứu ở Bắc Ninh cho thấy quan họ là một di sản trong số ít các di sản mà khá nhiều những người đang thực hành nó có được thu nhập tốt. Nhu cầu mời hát quan họ trong các sự kiện chính trị, văn hóa và cả các sinh hoạt nghi lễ, sự kiện trong gia đình, dòng họ tại địa phương cũng như ngoài địa phương tăng cao, các nhà hàng, quán ăn, khách sạn,…cũng thường xuyên mời các nhóm quan họ đến hát phục vụ khách khiến cho các nghệ nhân, các câu lạc bộ hay các nhóm quan họ trở nên bận rộn với các lịch biểu diễn. 
Trong các buổi biểu diễn của các câu lạc bộ/đội/nhóm quan họ, ngoài tiền cát-sê theo thỏa thuận trước, nhiều khi các diễn viên, nhạc công còn nhận được tiền thưởng thêm từ các khán giả, nhất là khi hát ở các nhà hàng, khách sạn, tiệc mừng, việc thưởng tiền nhiều khi là đưa thẳng cho người hát, người đàn trong khi họ đang biểu diễn. Biểu diễn trong các không gian này không phù hợp cho một loại hình dân ca tao nhã, lịch lãm, khiến quan họ trở thành một hình thức giải trí mang tính thương mại. 
Cũng cần nhận thấy rõ rằng việc khán giả say quan họ, khi nghe những bài hay thường thưởng tiền (dân gian gọi là thướng) cho các liền anh liền chị đã có từ xưa như một phong tục đẹp. Khi đó quan họ ngồi hát trong không gian nhỏ hẹp của chiếc chiếu trong một gian nhà hoặc đền, chùa, số lượng người nghe ít, còn hiện nay không gian lớn, số lượng khán giả đông, việc thướng tiền trở nên không được đẹp khi các liền anh liền chị khi hát trên thuyền thì phải ngả nón để cho các khán giả đặt tiền vào hoặc khi hát trên sân khấu thì phải tự tay cầm hoặc để vào trong cơi trầu,… và điều đó đã khiến cho màu sắc thương mại hiện rõ trong các sinh hoạt quan họ hiện nay.
Có lẽ vấn đề thương mại hóa quan họ được bàn luận nhiều hơn cả xung quanh lễ hội quan họ nổi tiếng nhất là hội Lim diễn ra ngày 13, 14 tháng Giêng - một lễ hội văn hóa tiêu biểu gắn với các sinh hoạt quan họ. Tuy nhiên, hát quan họ trong hội Lim hiện nay đã không còn hình ảnh lãng mạn của các liền anh liền chị mong đợi đến ngày hội để được hát với nhau nữa mà được sắp xếp trên sân khấu lớn trên đồi gắn với lễ khai hội, mãn hội, sau đó từng câu lạc bộ quan họ được bố trí ngồi hát trong các lán (hiện xây thành các chòi), hát trên thuyền tại các làng xung quanh đồi Lim và hát trong các nhà chứa trong làng,… Tuy nhiên hát ở đâu cũng gắn với các loa phóng thanh, với các nhạc cụ hiện đại, gắn với thù lao, tiền thưởng, tiền ủng hộ,… các lán, chòi được sắp xếp gần nhau khiến cho loa của lán/chòi này va với loa của lán/chòi kia,… Các liền chị mời khách hát xong, khách thưởng tiền hoặc khách cũng trả tiền khi lấy những miếng trầu cánh phượng do các liền chị têm đặt trên khay đã tạo ra hình ảnh không đẹp cho sinh hoạt quan họ hoặc việc các liền anh liền chị trong trang phục quan họ truyền thống xếp hàng để bán đĩa nhạc, đĩa hình, sách tập hợp các bài hát quan họ với giá cao hay dịch vụ cho thuê trang phục quan họ còn lộn xộn. Các sân khấu quan họ, các lán/chòi hát quan họ trong hội Lim được đặt giữa không gian bị bao vây bởi rất nhiều hàng quán ăn uống tấp nập, nhiều hàng trò chơi có thưởng,… tạo nên sự xô bồ, nhốn nháo, tính chất thị trường,… làm mất đi không gian trữ tình cần thiết của dân ca quan họ trong lễ hội Lim truyền thống. 
Có thể nói dân ca quan họ hiện nay đã từ hát chơi chuyển sang hát biểu diễn, từ việc gặp nhau để hát, để vui bầu vui bạn chuyển sang hát dịch vụ, từ sinh hoạt quan họ tao nhã chuyển sang sinh hoạt quan họ thị trường,… đã khiến cho màu sắc thương mại trở nên rõ nét và có không ít những hình ảnh phản cảm diễn ra gây bức xúc và lo lắng cho những người yêu quan họ. 
Truyền dạy quan họ 
Việc truyền dạy quan họ ở cộng đồng dù dược đẩy mạnh song chủ yếu là tự phát theo những tiêu chí, mục đích khác nhau, sự lỏng lẻo và thiếu bền vững hiện rõ trong môi trường truyền dạy này. Không thể phủ nhận là có nhiều nghệ nhân, nhiều người hát quan họ trong các làng tự nguyện truyền dạy lại cho lớp sau vốn liếng của mình nhưng không phải ai cũng muốn học, cũng say học và cũng “có giọng” để học được. Hơn nữa việc truyền dạy tại cộng đồng thường được thực hiện bởi các cụ nghệ nhân truyền dạy quan họ theo lối cổ nên thế hệ trẻ cũng khó học, khó hát và cần thời gian tập luyện lâu mà những điều đó đều khó với nhịp sống hiện đại của giới trẻ hiện nay khi sinh kế và công việc của họ đều thay đổi. Số lượng các nghệ nhân của cả tỉnh Bắc Ninh không còn nhiều. Những “báu vật nhân văn sống” này đang dần mang theo vốn quan họ cổ về với tổ tiên.
Việc truyền dạy quan họ trong các câu lạc bộ/nhóm/đội hát quan họ cũng cho thấy nhiều vấn đề về tính mục đích cũng như sự dễ dãi khi chủ yếu truyền dạy theo nhu cầu thực tế phục vụ cho các chương trình biểu diễn, dạy theo lối mới và dạy quan họ mới là chủ yếu, dạy kỹ năng biểu diễn trên sân khấu, kết hợp với nhạc đệm, hát chào mời và tiễn khách ra sao, tùy từng buổi lễ, buổi gặp mặt hay tiệc mừng, tiệc khao thì hát bài gì cho hấp dẫn khách,… Nhìn chung việc truyền dạy trong các câu lạc bộ/nhóm/đội quan họ mang tính thực hành rõ nét và gắn với mục đích biểu diễn ngay trước mắt, vì thế màu sắc của quan họ cổ, các giọng lề lối hay các yếu tố văn hóa trong đó hầu như chưa được quan tâm đúng mức. Yếu tố lợi nhuận, cát sê đã chi phối khá lớn công tác truyền dạy ở các câu lạc bộ/đội/nhóm quan họ theo cách như vậy. 
Việc phổ cập quan họ trong các trường phổ thông cũng có nhiều hạn chế và theo đánh giá của nhiều giáo viên thì chưa thực sự đạt kết quả cao do trình độ giáo viên trong giảng dạy về âm nhạc và quan họ còn nhiều bất cập, không phải giáo viên âm nhạc nào cũng “có giọng”, “tốt giọng” để hát được quan họ và truyền dạy cho các em học sinh mà việc phân bổ giáo viên chuyên trách về dạy quan họ trong trường thì không khả thi. Bên cạnh đó, hình thức truyền dạy qua các lớp học do ngành văn hóa tổ chức cũng không đạt hiệu quả tốt do thời gian ngắn, chương trình sơ sài, kinh phí đầu tư hạn chế, khó tổ chức được các hội diễn, hội thi chính thức,… Các học viên của lớp học như vậy chỉ thuộc khoảng hơn chục bài ca, có thể hát lên được vài ba giọng tương đối cơ bản, còn những giọng khó, kỹ thuật, các yếu tố văn hóa quan họ thì không thể học được trong thời gian ngắn và việc truyền dạy đơn giản như vậy.
Theo một số nghệ nhân quan họ và một số nhà nghiên cứu, quản lý lĩnh vực quan họ thì các môi trường truyền dạy quan họ hiện nay (cộng đồng, các câu lạc bộ, trường học, trường chuyên nghiệp, các đoàn nghệ thuật,…) đều là tốt song có một môi trường rất quan trọng và hữu ích mà quan họ truyền thống đã làm (dù không gọi tên là truyền dạy) nhưng hiện nay đã phai nhạt đó là môi trường giao lưu quan họ, cần gắn bó các nhóm, các cặp hát quan họ lại với nhau, các câu lạc bộ quan họ, các làng quan họ lại với nhau, các nghệ nhân quan họ, các thế hệ hát quan họ cũng như những người yêu quan họ lại với nhau. Chỉ khi tạo ra được chất men tình cảm giữa các cặp, các nhóm, các câu lạc bộ, các làng, các thế hệ,… thì quan họ mới được truyền dạy một cách tự nhiên và hiệu quả. 
Như vậy, có thể thấy, trong bức tranh văn hóa của Bắc Ninh, quan họ luôn có vị trí đặc biệt tạo nên bản sắc văn hóa, tạo nên thương hiệu cho cả vùng đất và con người nơi đây. Vinh danh dân ca quan họ Bắc Ninh, UNESCO vinh danh một lối chơi, một tổng thể văn hóa, một sinh hoạt trữ tình đậm tính nhân văn và vì thế cần có những chiến lược và phương cách phù hợp, để khắc phục những bất cập dẫn tới nguy cơ làm biến dạng di sản dân ca quan họ, làm cho quan họ thiếu sức sống, thiếu sự bền vững; qua đó góp phần bảo tồn và phát huy di sản dân ca quan họ một cách hiệu quả, khoa học và bền vững./. 
Theo: PGS, TS. Nguyễn Thị Phương Châm - Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Qúa trình phát triển của quan họ Bắc Ninh

Lịch sử, nguồn gốc quan họ Bắc ninh

Tên gọi của quan họ Bắc Ninh