Về Bắc Ninh nghe quan họ cổ

Trong không gian “nhà chứa” khang trang của làng Đặng Xá (xã Vạn An, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh), hai CLB Quan họ Đặng Xá và CLB Quan họ Nhị Hà đã gặp gỡ, giao lưu theo đúng nghi thức hát canh quan họ cổ.


Các liền anh liền chị của hai CLB Quan họ thực hiện nghi thức nghênh tiếp, chào hỏi nhau trước khi bước vào lễ đình và sinh hoạt trong nhà chứa. Ảnh: TẠ Toàn
Các liền anh liền chị của hai CLB Quan họ thực hiện nghi thức nghênh tiếp, chào hỏi nhau trước khi bước vào lễ đình và sinh hoạt trong nhà chứa. Ảnh: TẠ Toàn
Phục dựng hát canh trước nguy cơ thất truyền
Nhà chứa quan họ của làng Đặng Xá là một trong số rất nhiều không gian sinh hoạt niềm đam mê của người quan họ Bắc Ninh. Hiện tỉnh có khoảng 10 nhà chứa, được tỉnh đầu tư xây dựng vô cùng khang trang, rộng rãi. Mỗi nhà chứa có nơi thờ tự bà chúa quan họ, có khuôn viên để tổ chức hội hè, lễ lạt. Đặc biệt, nơi đây không chỉ dành để hội họp, luyện tập mà còn là địa điểm lý tưởng để tổ chức hát canh giữa “bọn” quan họ chủ và “bọn” quan họ khách. “Bọn” là cách dùng của các cụ ngày xưa, chỉ cách gọi một tổ chức quan họ ở cơ sở, tương tự như câu lạc bộ quan họ ngày nay. Trong một làng quan họ gốc thường có nhiều “bọn” quan họ. Có “bọn” quan họ nam và “bọn” quan họ nữ. Các bên kết bạn với nhau theo nguyên tắc “Âm- Dương tương cấu”. Có nghĩa là “bọn” quan họ nam ở làng này kết bạn với “bọn” quan họ nữ ở làng kia và ngược lại.
Nhằm tái hiện và phục dựng lại nghi thức của hát canh quan họ cổ, hai CLB Quan họ Đặng Xá (Bắc Ninh) và CLB Quan họ truyền thống Nhị Hà (Hà Nội) đã giao lưu, kết bạn với nhau để chia sẻ những câu hát, qua đó lưu giữ và phát huy giá trị đặc sắc của quan họ cổ.

Hai CLB bước vào buổi hát canh theo đúng nghi thức quan họ cổ. Ảnh: Tạ Toàn
Hai CLB bước vào buổi hát canh theo đúng nghi thức quan họ cổ. Ảnh: Tạ Toàn
Sau thời gian mời mọc, hẹn ngày, quan họ chủ tập trung tại nhà chứa để đón quan họ khách Nhị Hà. Các liền anh hai bên diện trang phục áo 5 thân, khăn đóng; các chị Hai diện mớ ba mớ bảy, đầu vấn khăn mỏ quạ, tay cầm nón quai thao… ai cũng như trẻ lại dù không ít người đã ở tuổi ông tuổi bà. Họ chào nhau bằng những lời quan họ cổ rồi ra đình làm lễ, sau đó mời vào nhà chứa, chính thức bước vào hát canh (quan họ có 3 hình thức chính là hát canh, hát thi lấy giải, hát hội).
Theo họa sĩ Đỗ Dũng - Chủ nhiệm CLB Quan họ truyền thống Nhị Hà, hát canh được coi là nền tảng cho hát quan họ biểu diễn hiện nay. Để tham gia hát canh, các liền anh, liền chị phải thuộc hàng trăm câu hát quan họ cổ. Trình tự một canh hát đúng lề lối có thể chia thành 3 chặng. Trong chặng đầu tiên, sau những nghi thức giao tiếp giữa quan họ khách và quan họ chủ là những bài “lề lối” giọng cổ. Xưa kia thường hát tới 36 giọng nhưng hiện nay, các giọng hát chỉ còn 5-6 giọng. Đó là các giọng thường gặp như: la rằng, hừ la, đường bạn, tình tang, cái ả, cây gạo…
Sau những bài bắt buộc của giai đoạn đầu, họ hát sang những bài thuộc hệ thống mà người quan họ gọi là “giọng vặt”. Họ giãi bày tâm sự bằng nghệ thuật ca, thể hiện sự tài hoa đối đáp giữa hai bên. Chặng cuối là giã bạn để xin phép chủ ra về và quan họ chủ hát đối bằng những lời ca giữ khách như: “Người ơi người ở đừng về”, “Tạm biệt từ đây”, “Chia rẽ đôi nơi”, “Kẻ Bắc người Nam”, “Con nhện giăng mùng”… và họ dùng dằng hẹn nhau đến năm sau bằng câu “Đến hẹn lại lên”.
Khó nhất là tìm người hát đôi

Các chị Hai duyên dáng trong áo tứ thân, nón quai thao. Ảnh: TẠ Toàn
Các chị Hai duyên dáng trong áo tứ thân, nón quai thao. Ảnh: TẠ Toàn
Mục đích của việc tổ chức hát canh bài bản như lần này là để lưu giữ và lan tỏa vẻ đẹp của quan họ truyền thống. Bởi hiện nay, tuy có nhiều CLB quan họ nhưng hát canh, hát cổ lại không nhiều. Hát canh đòi hỏi người chơi phải thuộc vài trăm bài. Thuộc rồi thì phải biết cách ứng xử, vận dụng vào trong cách “chơi” quan họ.
Buổi gặp gỡ, giao lưu không có kịch bản trước, không đưa ra chủ đề cụ thể, để canh hát được diễn ra tự nhiên nhất, ngẫu hứng theo đúng tinh thần của quan họ. Nếu bên nào không hát đối lại được thì “xin khất”, hẹn “lần sau chúng em xin đối lại” rồi xin đổi sang câu khác.
Theo chị Hai Chính - nguyên giảng viên Trường ĐH Thương mại Hà Nội, hiện là Phó chủ nhiệm CLB Quan họ truyền thống Nhị Hà, cái khó nhất của quan họ cổ đó là tìm được người hát đôi hợp. Một cặp hát đôi hợp không chỉ cần thuộc nhiều bài mà còn phải chuẩn về giọng, hòa hợp với nhau về tính cách ở ngoài đời. Thậm chí, hoàn cảnh cũng phải có điểm chung, nếu không, khi luyện tập hoặc đi hát sẽ khó mà đi cùng nhau. Chính vì khó khăn trong việc tìm kiếm người hát đôi mà hiện nay, các đôi đi được đường dài với nhau đa phần là chị em, anh em trong một nhà.

Họa sĩ Đỗ Dũng- Chủ nhiệm CLB Quan họ truyền thống Nhị Hà “hóa thân” thành anh Hai Dũng. Ảnh: TẠ Toàn
Họa sĩ Đỗ Dũng- Chủ nhiệm CLB Quan họ truyền thống Nhị Hà “hóa thân” thành anh Hai Dũng. Ảnh: TẠ Toàn
Ở làng Diềm hiện nay, không chỉ nổi tiếng là làng quan họ gốc mà còn bởi hình thành nhiều đôi hát là chị em trong nhà. Nơi đây còn bảo lưu nhiều bài bản cùng những phong cách diễn xướng và lối chơi quan họ độc đáo. Theo ý kiến đánh giá của nhiều nhà chuyên môn thì lối chơi quan họ của làng Diềm chứa đựng đầy đủ trình tự các bước lề lối của lối chơi quan họ nói chung, lại có những nét riêng của Quan họ Diềm. Làng Diềm có 9 xóm thì có tới 10 “bọn” quan họ.
Thành lập từ năm 2016, CLB Quan họ truyền thống Nhị Hà đã thu hút được số lượng lớn các liền anh liền chị ở nhiều ngành nghề khác nhau. Cứ chủ nhật đầu tháng, các chị Hai Thủy, chị Hai Hà, anh Hai Chế, anh Hai Điệp… lại gạt hết các công việc thường nhật để hội tụ về CLB sinh hoạt, chia sẻ những câu hát mới vừa sưu tầm được. Có khi, CLB đi hát giao lưu với CLB khác, hun đúc thêm niềm đam mê của các liền anh liền chị với quan họ.
Một điều đặc biệt nữa là, những ai đã chơi quan họ, yêu quan họ thì tính cách cũng trở nên nhẫn nhịn tốt hơn. Mỗi khi gặp sự trắc trở trong cuộc sống, công việc, họ lại tìm đến bạn hát để sẻ chia bằng lời ca tiếng hát. Các công cụ mạng xã hội như Zalo, viber, facebook có chế độ video là phương tiện hữu hiệu, mang đến màu sắc mới cho quan họ cổ. Để dù không gặp nhau nhưng họ vẫn kết nối, tâm tình và cả luyện tập các câu hát với nhau một cách thường xuyên.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Qúa trình phát triển của quan họ Bắc Ninh

Lịch sử, nguồn gốc quan họ Bắc ninh

Tên gọi của quan họ Bắc Ninh