Lề lối hát quan họ

A - Hát đối đáp


Khi hát vui ở hội, ở một canh hát gặp gỡ bạn bầu, bao giờ Quan họ cũng tuân theo lề luật: đối đáp nam nữ, đối giọng, đối lời và hát đôi nam đối với nữ.  Ðối đáp nam nữ là bên gái hát một bài, tiếp đó, bên trai lại hát một bài, cứ thế dài hết cuộc hát hoặc canh hát. Ðối giọng: bên hát trước hát bài có làn điệu âm nhạc như thế nào thì bên hát sau phải hát đối lại một bài cũng có làn điệu âm nhạc như thế, được coi là đối giọng.Ðối lời: Ðối lời khác với đối giọng không chỉ ở chỗ một bên thuộc lĩnh vực âm nhạc, một bên thuộc lĩnh vực thơ ca, mà còn khác ở chỗ: nếu bên hát trước đã hát một lời ca nào đấy (một đoạn thơ, một bài thơ...) thì bên hát sau cũng sử dụng làn điệu âm nhạc giống như bên hát trước, nhưng lời ca phải khác đi mà vẫn gắn bó với tình, ý, hình tượng...của lời ca người hát trước để tạo nên hiệu quả hô-ứng, tương hằng, đối xứng, cảm thông.

Hát đối nam nữ, đối giọng, đối lời được coi là sự đối đáp hoàn chỉnh theo lề lối của Quan họ. Ðiều này cũng giống lề lối của nhiều dòng dân ca khác. Nhưng cần lưu ý rằng trình độ đối giọng, đối lời của ca hát Quan họ đã tiến tới một đỉnh cao mới về nghệ thuật âm nhạc và thơ ca, buộc Quan họ không ngừng liên tiếp vươn tới những sáng tạo mới, vươn tới sự tích luỹ thường xuyên về vốn âm nhạc, vốn thơ ca, trình độ sáng tác và nghệ thuật ca hát.

B - Hát canh
Nhiều nơi kiêng chữ hát, nên canh hát còn được gọi là canh ca; chẳng hạn: ca một canh. Một canh hát Quan họ đúng lề lối xưa thường diễn ra vào mùa xuân hoặc mùa thu, mùa của hội chùa, hội đình làng vào đám, giữa những nhóm Quan họ nam và nữ mới nhau đến nhà "ca một canh cho vui bàu vui bạn, vui xóm, vui làng, cầu may, cầu phúc".
Canh hát thường được giữ đúng các lề lối như Quan họ đã định ra và thường kéo dài từ 7, 8 giờ tối đến 2, 3 giờ sáng. Ðôi khi, hội làng mở nhiều ngày, cũng có những canh hát kéo dài 2, 3 ngày đêm.
Trình tự một canh hát đúng lề lối có thể chia thành 3 chặng.

Trong chặng đầu tiên, sau những nghi thức giao tiếp giữa Quan họ khách và Quan họ chủ, thường là bên nam, bên nữ, Quan họ đi vào chặng hát đầu tiên. ở chặng hát này, người ta hát những giọng cổ cũng gọi là giọng lề lối. Truyền rằng xưa Quan họ có đến 36 giọng cổ đã được ghi nhận trong một bài văn vần theo thể lục bát về tên các giọng. Nhưng cho đến trước tháng 8-1945 thì chặng hát này thường chỉ hát chừng 5, 6 giọng: Hừ la, La rằng, Ðương bạn (Bạn lan), Tình tang, Cây gạo, Cái ả...Các giọng cổ thường mang âm điệu cổ kính, chậm rãi, rền, nẩy, nhiều tiếng đệm lót, mang nhiều dấu hiệu đặc trưng của ca hát Quan họ truyền thống.
Vai trò của giọng La rằng đặc biệt quan trọng trong việc chi phối nghệ thuật ca hát ấy, cả hai bên sớm đi vào sự ăn nhập về cao độ, trường độ về sự vang, rền, nền, nẩy...của nghệ thuật ca hát. Có khi hai bên hát đến hàng mười giọng khác nhau rồi mà âm thanh ca hát vẫn cứ chênh vênh, hụt hơi, với (cao) hoặc sỉn (thấp)...thì các bậc bề trên của Quan họ ngồi nghe thường nhắc: "Bắt lại La rằng một lần nữa đi, không thì lại chênh vênh đến sáng". Hầu hết người Quan họ đều cho rằng không ca được bài Là rằng cho vang, rền, nền, nẩy thì đừng nói chuyện ca Quan họ.
Chặng ca những bài cổ là chặng bắt buộc, được duy trì rất nghiêm, có thể coi là tiêu chuẩn để đánh giá sự nghiêm chỉnh, đúng lề lối Quan họ. Không làm như vậy sẽ bị chê cười.
Chặng giữa tiếp theo sau chặng hát những bài giọng cổ như trên. Lúc này, Quan họ hát sang những bài thuộc hệ thống mà người Quan họ gọi là Giọng vặt. Tuyệt đại bộ phận trong hệ thống bài ca quan họ còn sưu tập được đến hôm nay là Giọng vặt, trong đó bao gồm nhiều những bài mà hôm nay coi là những ca khúc dân gian mẫu mực ở trình độ nghệ thuật hoà hợp thơ ca và âm nhạc.
Vào chặng ca giọng vặt, không phải ca theo một trình tự bắt buộc theo thứ tự tên các bài ca. Nhưng cũng do tập truyền lâu đời, về đại quát, các canh hát cũng có những trình tự không khác nhau nhiều. Trình tự này đã được người Quan họ chỉ rõ bằng một câu nói quen thuộc, cửa miệng: "Quan họ càng về khuya càng bổng, càng trầm, càng mặn nồng tình nghĩa." Nhờ vậy, canh càng về khuya những bài hát thiết tha gắn bó, về nỗi nhớ, niềm thương, đôi khi, kể cả những nỗi trăn trở về cuộc đời, về số phận con người...càng được người Quan họ hát, ca, đối, đáp, khiến canh hát, nói như cách nói hôm nay, càng đẩy tới cao trào của tình cảm và sự tài hoa, bay lượn, luyến láy của nghệ thuật ca hát. Người Quan họ như tỉnh, như say trong tình bạn, tình yêu, tình người trong chặng ca này.
Chặng cuối thường diễn ra vào khoảng 12 giờ đêm, 1 giờ sáng, có thể cuối hoặc gần cuối chặng hát giữa, su lúc người Quan họ mời nhau xơi tiệc mặn và tiệc ngọt có nơi uống rượu, có nơi không. Nếu nơi có uống rượu thì Quan họ chủ thường nâng chén rượu hát bài ca chuốc rượu để mời bạn. Xong bữa tiệc và tuần trầu, nước, Quan họ cũng có thể hát đối đáp thêm một số câu giọng vặt nữa rồi chuyển sang ca những bài ca giã từ bạn, cũng tức là chuyển sang chặng cuối của canh hát.
Mở đầu chặng hát này thường là Quan họ khách bắt đầu ca một câu giã bạn tỏ ý xin tạm biệt ra về, và, để đối lại (không buộc phải theo lệ đối giọng) Quan họ chủ cũng ca bài giã bạn nhưng mang ý níu giữ khách. Những bài ca giã bạn được cất lên vào lúc giã hội hoặc vào khi tàn một canh hát, khoảng 2, 3 giờ sáng, trong tâm trạng quyến luyến, bịn rịn, nuối tiếc không nguôi...nên tình, ý, giai điệu, âm thanh bài ca rất xúc động lòng người. Những bài ca giã bạn quen thuộc và nổi tiếng còn lưu hành vẫn là các bài:
Người ơi người đừng về, Tạm biệt từ đây, Chia rẽ đôi nơi, Kẻ Bắc người Nam,Con Nhện giăng mùng... Tiếp theo là cuộc tiễn đưa nhiều lưu luyến và Quan họ hẹn rằng "...đến hẹn lại lên"...

C - Hát hội
Trong vùng Quan họ, một trong những hoạt động văn nghệ chủ yếu của hội làng là ca hát Quan họ giữa nhiều bọn Quan họ nam nữ. Từ ngày 4 tháng giêng âm lịch cho đến ngày 28 tháng hai âm lịch, liên tiếp các hội làng diễn ra trong vùng Quan họ. Nam nữ Quan họ cũng tấp nập mời nhau đi các hội làng "...để vui xuân, vui hội, gặp bàu, gặp bạn, ca đôi câu, đôi canh cầu may, cầu phúc" Suốt tháng 8 âm lịch hàng năm, các làng lại có lệ vào đám, ở hội đình, Quan họ lại có dịp mời nhau dự hội, ca hát.
ở Hội, có 2 hình thức ca hát.
Hát vui : Hội nào cũng có nhiều nhóm Quan họ kéo đến . Hội Lim, có những năm đông vui, hàng trăm nhóm Quan họ của cả vùng kéo về dự hội và ca hát cùng nhau. Trong đó, có những nhóm đã từng đi ca ở hội nhiều năm, nhưng cũng có nhiều nhóm Quan họ trai, gái, lần đầu tiên được các anh nhớn, chị nhớn Quan họ dẫn đi ca ở hội vừa để thành thạo, mạnh dạn hơn về ca hát, vừa để đi tìm nhóm bạn khác giới, khác làng để kết bạn.
Cho nên hình thức "hát vui đôi câu để vui xuân, vui hội, vui bàu, vui bạn" là hình thức ca hát Quan họ chủ yếu ở hội. Có thể là đôi nhóm Quan họ nam nữ đã kết bạn hẹn nhau đến hội ca cùng nhau. Cũng có thể nhóm nam nữ đã kết bạn mời một nhóm nam nữ Quan họ khác cũng đã kết bạn, rồi nhóm nam của nhóm này hát với nhóm nữ của nhóm kia để "mở rộng đường đi lối lại, học đòi đôi lối, đôi câu".Cũng có thể nhóm anh nhớn, chị nhớn Quan họ dẫn nhóm em bé Quan họ của mình đi hội lần đầu để tìm nhóm em bé Quan họ của nhóm khác cho "các em gần bến gần thuyền ...theo đòi cho kịp anh, kịp em..." tạo dịp và bắc cầu cho các em bé ca hát cùng nhau. Cũng có thể có nhóm Quan họ nào đấy có một cặp anh Hai, anh Ba, hoặc cặp chị tư, chị Sáu...nổi tiếng có giọng hát hay hoặc nổi tiếng có nhiều bài lạ, mới, thì, các nhóm Quan họ khác cũng "đánh đường" tìm đến, xin được ca hát đôi câu để "tai nghe giọng ca, mắt nhìn thấy mặt..." cho thoả nỗi ước mong.
Tất cả những cuộc hát như vậy toả ra ở khắp đó đây trong hội, làm nên niềm vui và vẻ đẹp đặc trưng của hội ở vùng Quan họ. Người Quan họ gọi những cuộc hát như vậy là hát vui, ca vui; không phải theo những lề luật như hát thi, hát canh; chỉ cần tuân theo một số điều của lề lối truyền thống: hát đôi, đối đáp nam nữ. Trong hát đối vui ở hội cũng không phải đối giọng đối lời mà thường là nặng về đối ý, đối lời để sao cho khi ca lên người ta thấy được cái tình, cái ý hai bên gắn bó, hô ứng, giao hoà cùng nhau. Cũng không phải bắt đầu từ những câu giọng cổ mà có thể bắt đầu vào ngay giọng vặt, vào ngay một bài nào mà bên hát trước cảm thấy nói ngay được điều muốn nói, hoặc phô diễn được ngay sự thành thạo, khéo léo trong nghệ thuật ca hát của mình. Vì vậy, nghe hát ở hội thường dễ nhanh chóng nhận ra những bài hát hay, những giọng hát hay.
Khi trời đã xế chiều, Quan họ sắp phải ra về, có nhiều nhóm quyến luyến cùng nhau, họ tiễn đưa nhau những quãng đường dài và thỉnh thoảng lại dừng lại ca những câu giã bạn đậm đà tình cảm gắn bó, man mác nỗi buồn chia tay, tạo nên những chiều rã hội rất riêng của hội vùng Quan họ, gây ấn tượng rất sâu, bền vững trong tâm hồn mỗi người. Cũng có thể những nhóm Quan họ ở chính làng Quan họ có hội mời bạn của mình về nhà "ca một canh suốt sáng cho vui dân, vui xóm, cầu phúc, cầu may", tiếp nối chiều sâu cho không khí hội vùng Quan họ.
Hát thi : Không phải hội làng nào trong vùng Quan họ cũng có hát thi hoặc hát giải. Cũng không phải ở một làng nào đấy cứ giữ lệ hàng năm đến hội là đều có hát giải. Tuỳ từng năm, ví dụ được mùa, làng mở hội to, dài ngày, Quan họ trong làng náo nức xin dân mời Quan họ các nơi về hát giải..., thì năm ấy, có thể có hát giải trong hội. Muốn mở hội hát giải ở một làng thì làng ấy phải chọn được nhóm quan họ ra giữ giải, để Quan họ các nơi về phá giải hay cũng gọi là giật giải. Ðôi khi cũng có làng gần vùng Quan họ, yêu mến Quan họ, nhưng trong làng không có Quan họ, mà, vì hội làng đó thường mở to, đông người, trong đó có nhiều nhóm Quan họ, về dự hội, thì, làng đó cũng có thể tổ chức hát thi Quan họ và chọn mời trong số những nhóm Quan họ xin giữ giải, lấy ra một nhóm giữ giải để nhóm Quan họ khác vào giật giải.










Nhóm giữ giải cần phải:
- Hát được thành thạo những bài hát Quan họ đã được lưu hành một cách rộng rãi trên vùng Quan họ cho đến thời điểm ấy. Con số bài bản này có thể tới trên 200 bài. Có như vậy mới mong người ta ca bài nào, mình đối ngay được bài đó.
- Sáng tác và ca được một vài bài mới sáng tác, gọi là bài độc, bí mật luyện trong nhóm, đến khi vào thi mới ca lên bài đó, hy vọng bên kia không có bài đối, để giành phần thắng điểm.
- Có vốn âm nhạc và thơ ca vào bậc giỏi để hy vọng rằng nếu bên phía nhóm giật giải tung ra bài độc thì có thể nhanh chóng, sau 4,5 phút đồng hồ (thời gian thông thường để hát xong một bài Quan họ), bắt được làn điệu mới ấy, ghép ngay vào một đoạn thơ nào đó đã thuộc, tạo nên bài ca đối lại và ca ngay được bài đó. Khả năng này thường hiếm, mỗi thế hệ Quan họ chỉ có được một vài đôi đạt tới.
Trước ngày thi, làng mở giải phải niêm yết (còn gọi là bố cáo) lời mời các Quan họ về hội hát giải và thể lệ của hát giải ở trước cửa đình làng. Nhóm giữ giải và các nhóm sẽ đi giật giải cũng bắt đầu một đợt ôn luyện đều đặn, kiên nhẫn để hát thạo những bài hát khó, nhất là những bài hát mới được tung ra trong những hội làng trước đó để giữ chắc phần ít nhất là hoà. Từ khả năng ít nhất là hoà ấy, các Quan họ chỉ định người đặt câu (sáng tác lời thơ) và bẻ giọng (phổ nhạc cho thơ) để có được những bài độc để giành phần thắng.
Thể lệ một cuộc hát giải của các làng có thể có những ưu điểm khác nhau về chi tiết, nhưng có những nét chung của thể lệ thi hát Quan họ ở hội. Trước hết là trình tự cuộc hát: mở đầu, mỗi bên hát một bài chúc theo giọng La rằng (cũng gọi là giọng sổng) để chúc dân làng. Sau đó, chuyển sang giọng lề lối (cũng gọi là giọng cổ) bắt buộc, để khảo xem người dự thi có đủ điều kiện ban đầu dự thi hay không. Khi khảo giọng lề lối bên giữ giải có thể hát trước để bên giật giải phải đối lại lần lượt đủ cả 5 bài bắt buộc: Hừ La, La rằng, Ðương bạn, Cây gạo, Cái hời caí ả.Những bài này không tính điểm thi; nhưng nếu không đối được một bài, thì không được tiếp tục thi. Tiếp theo, bên giữ giải có quyền hát trước 5 bài, bất kể bài gì. Cứ sau mỗi bài bên giữ giải hát trước thì bên giật giải phải đối lại đúng cách: đối giọng, đối lời. Nếu đối đủ và đúng cách là xong và coi là hoà. Xong đủ mười lần hát như vậy, người Quan họ gọi là đủ năm trên năm dưới. Tiếp theo đó, người giật giải được quyền hát trước 5 bài và người giữ giải đến lượt phải lần lượt hát đối lại từng bài một. Nếu lại đối đủ và đúng thì hoà, nếu bên nào không đối được bài nào thì coi như là thua điểm. Cứ tiếp tục vòng năm trên năm dưới như thế, tuỳ theo hội mở dài hay ngắn. Nhưng nhìn chung, nhiều hội chỉ thi ba lượt năm trên năm dưới là đi vào phân định, thắng, thua. Nếu cộng với 2 lượt hát chúc và 10 lượt hát 5 bài lề lối thì một cuộc hát thi thường được 21 bài với 42 lượt hát trong khoảng thời gian trung bình 126 phút đến 168 phút đồng hồ, chưa kể thời gian ngừng hát vì những lý do quanh việc hát: gặp bài hát khó hoặc hát mới, khó đối, hoặc tranh luận nghệ thuật về hơn thua v.v...Ðôi khi cũng có những cuộc hát kéo dài cả 2,3 ngày hội, nhưng Quan họ đã thoả thuận cùng nhau: đối đáp những bài thường hát trong một vài ngày cho vui, sau đấy mới sang phần hát thi.
Ðể phân định hơn, thua, định giải thi hát Quan họ phải có một ban cầm chịch. Ban cầm chịch do làng chọn ra gồm những bô lão am hiểu sau sắc về luật Quan họ, có đủ trình độ và uy tín để phân định hơn, thua, sai đúng trước dân và đông đảo Quan họ trong vùng. Có thể từ 3 đến 5 cụ, đứng đầu là người do quan đám - chức vị do dân cử để lo liệu mọi việc ngày vào đám - chỉ định. Hát thi hoặc hát giải Quan họ trong ngày hội thực sự đã đưa hoạt động ca hát vào một cuộc thực hành nghệ thuật lớn hàng năm trên cả các mặt : sáng tạo, diễn xướng, thưởng thức, học tập, phẩm bình...nghệ thuật, tiếp tục nâng cao trình độ lên một bước mới cuả tiến trình tồn tại và phát triển Quan họ.

D - Hát lễ thờ
Khi các Quan họ rủ nhau đến hội làng để hát vui hoặc hát giải, thì mỗi nhóm Quan họ thường sắm sửa trầu, cau, hương, nến, hoa quả để vào đình làm lễ thánh và cũng là lễ trình dân. Các nhóm Quan họ thường rủ nhau có nam, có nữ cùng vào làm lễ. Khi các Quan họ xin vào đặt lễ thờ thì thường được các vị "nóc dân đầu xã, bô lão, bàn bạc..." Trong làng có hội tiếp đón một cách trang trọng, nồng hậu, dù dưới thời phong kiến rất ngặt nghèo với việc có đàn bà, con gái trước bàn thờ Thành hoàng làng vào những dịp lễ trọng.
Sau khi đặt lễ cúng thánh trong tiếng trống thờ uy nghiêm xong, các nhóm Quan họ thường ca một đôi bài theo giọng La rằng để chúc thánh, chúc dân người an, vật thịnh, phúc, lộc, thọ, khang ninh. Như vậy, Quan họ gọi là hát lễ thờ. Khi đã hát lễ thờ rồi các nhóm Quan họ dù hát vui ở hội, dù hát canh trong nhà, đều được dân làng quý trọng và bảo trợ.

E - Hát cầu đảo
Không biết tự bao giờ người Quan họ cũng như đông đảo cư dân nông nghiệp trên quê hương Quan họ tin rằng mưa, nắng thuận hoà, mùa màng tươi tốt, dân an, vật thịnh...là kết quả của hoà hợp âm dương, hoà hợp giữa đất trời và con người. Nếu âm thịnh dương suy thì gây lụt, bão. Nếu dương thịnh âm suy sẽ gây hạn hán, sâu keo...Người Quan họ tin rằng tiếng hát Quan họ có thể thấu đến trời cao và thế giới thần linh, có thể hoà hợp âm dương. Vì vậy, nếu trời hạn hán kéo dài mãi không mưa thì ở một số đền miếu trong vùng Quan họ thường có hát cầu đảo (cầu mưa).
Hát cầu đảo thường chỉ có Quan họ nữ. Dân làng gọi hết Quan họ nữ trong làng, giữ gìn chay tịnh, đến ăn ngủ tại cửa đền hát liền 2, 3 ngày đêm. Không hát những bài tình tứ trao duyên như Quan họ thường hát mà chỉ hát những bài có nội dung cầu nguyện mưa thuận gió hoà và chỉ hát một giọng La rằng.
Người ta nói rằng hát như vậy cũng có linh nghiệm.

F - Hát giải hạn
Ngày xưa, con người thường tin vào số mệnh. Khi gặp nhiều việc không may hoặc tin rằng vào những tuổi, những năm, tháng nào đấy con người sẽ bị những hạn lớn như mất tiền của, bệnh tật..., thì con người đã tìm những cách giải hạn, hy vọng tai qua nạn khỏi. ở vùng Quan họ, nhiều người trước đây, sau khi làm các nghi thức cúng lễ, thường mời 4,5,6 nhóm Quan họ vừa nam, vừa nữ đến nhà ca một đêm Quan họ với niềm tin rằng có Quan họ nam nữ dập dìu đến nhà, ca xướng giao hoà đông vui, gắn bó thì cái may sẽ đến, cái rủi sẽ qua, vững lòng sống trong niềm tin, hy vọng có che chở. Hát giải hạn không bị gò bó nhiều vào lề lối mà có thể chỉ ca đối đáp một bài theo giọng La rằng, sau đó bên hát trước muốn hát bài nào thì bên hát sau hát đối bài đấy. Không đối đúng cũng cho qua và cứ thế tiếp tục kéo dài canh hát gồm những bài đối đáp có nội dung vui vẻ, gắn bó, hẹn ước, thề nguyền...Kết thúc canh hát cũng hát đôi câu giã bạn rồi các Quan họ chúc gia chủ may mắn, bình yên, rủi không đến, phúc ùa về...trước lúc ra về. Gia chủ thường gửi biếu Quan họ "lộc thánh" tức là một ít vật phẩm đã dùng để cúng lễ.

G - Hát mừng
Xưa khánh thành nhà mới, con cái đỗ đạt bằng cấp, đã đẻ nhiều con gái rồi đẻ được con trai...đều có thể ăn mừng. Lên thọ tuổi 50, 60, 70, 80..., đỗ bằng cấp cao, thăng quan tiến chức ...thường mở tiệc khao. Trong các dịp ăn mừng và khao, ngoài việc làm những nghi lễ, mời họ hàng, dân làng...đến ăn mừng, thì trong vùng Quan họ bao giờ cũng có những canh hát Quan họ của nhiều nhóm Quan họ kéo dài có khi vài ngày đêm.
Trong những cuộc hát mừng này, Quan họ không phải tuân thủ lề lối nghiêm ngặt mà cốt sao có nam, có nữ, có đối đáp, hầu hết là ca những bài giọng Vặt có nội dung lời ca sâu nặng nghĩa tình, gắn bó keo sơn và không khí hát phải thật vui, nhiều tiếng cười, lời nói vui xen vào khi hát.
Chủ và khách chan hoà trong niềm vui và hy vọng chân tình. Hát ở các đám cưới cũng vậy. Chỉ cần tránh những bài có nội dung, lời ca ai oán, trách móc, than thân than phận.

H - Hát kết chạ
Các làng đã kết chạ anh chạ em cùng nhau, cũng có nơi gọi là kết ước, ăn giải thường coi nhau là người một nhà. Vào dịp có hội lễ, chạ anh chạ em thường mời nhau sang dự hội. Khi đi dự hội như vậy, ngoài các vị "nóc dân đầu xã" thì Quan họ hai làng cũng mời nhau sang ca vui ở hội hoặc ca những canh hát thâu đêm trong nhà.
Nhưng trước mọi cuộc hát hội, trong cuộc tiếp chạ anh chạ em ở ngoài đình, ngoài việc tiến hành mọi nghi lễ đón tiếp, tế lễ thường có cuộc hát Quan họ giữa nam nữ hai chạ, trong đình, trước đông dân. Cuộc hát này thường gồm nhiều bài ca chúc tụng theo giọng La rằng, sau đó là đối đáp một số bài giọng Vặt mà Quan họ cho là hay, phải có giọng ca thật khéo mới "bắt" nổi. Một cuộc phô diễn khả năng, trình độ nghệ thuật ca hát kín đáo diễn ra giữa Quan họ 2 làng, không có phân định hơn thua nhưng không kém phần sôi nổi, hào hứng. Xong cuộc hát Quan họ kết chạ này, các nhóm Quan họ mới mời nhau toả đi hát tự do trong hội.
Những điểm về lề lối ca hát Quan họ là những hiểu biết bắt buộc của người đi ca Quan họ. Người Quan họ xưa thường khen những người "biết đủ lối, ca đủ câu" hoặc nói: "xin được học đòi đủ lối, đủ câu" Cho nên, biết đủ lối, ca đủ câu, là thước đo trình độ của các liền anh, liền chị Quan họ. Sự  phong phú nhiều vẻ cả về lề lối, nội dung ca hát Quan họ trong những mục đích khác nhau, hoàn cảnh khác nhau gắn bó với sự phong phú của nội dung, mục đích và bản chất của ca hát Quan họ.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Qúa trình phát triển của quan họ Bắc Ninh

Lịch sử, nguồn gốc quan họ Bắc ninh

Tên gọi của quan họ Bắc Ninh