Phong tục, lề lối quan họ Bắc Ninh

A - Tục kết bạn

Tục kết bạn trong Quan họ có những chi tiết khác nhau giữa các làng, nhưng cũng có những nét chung. Có nơi như Thị Cầu, Làng Yên, Ngang Nội .. . ,trong cùng một thời gian, nhóm Quan họ này kết bạn 2,3 nhóm Quan họ khác và sự kết bạn ấy có khi chỉ kéo dài vài, ba năm rồi lại kết với nhóm khác.
Có nơi như Bồ Sơn - Y Na , hai nhóm nam nữ Quan họ đã kết bạn với nhau rồi thì không kết bạn với nhóm thứ ba và có tục lệ không bao giờ lấy nhau, giữ đường đi lối lại trọn đời.
Có nơi như Diềm và Bịu, hai nhóm đã kết bạn thì không kết bạn với nhóm thứ ba. Không những thế, cả bên nam, bên nữ, mỗi bên còn gây dựng một nhóm bé Quan họ để dẫn dắt họ lại kết bạn với nhau, cứ thế, hết thế hệ này đến thế hệ khác, hàng trăm năm, tạo nên một tình bạn truyền đời. Những nhóm Quan họ này thường có tục không lấy nhau thành vợ thành chồng.
Có nơi như Thị Cầu, Ngang Nội, Sen Hồ...chỉ có Quan họ nam , nên chỉ mới và kết bạn với Quan họ nữ ở nơi khác.
Có nơi có cả Quan họ nam và Quan họ nữ, khi đi tìm bạn để kết ở làng khác, thường rủ nhau một nhóm nam và một nhóm nữ làng này đến kết bạn với một nhóm nữ và một nhóm nam làng kia, tạo nên tình bạn tay tư hoặc còn gọi là bộ bốn.
Tuy có những điểm khác nhau trong tục kết bạn nhưng nhìn chung có những điểm giống nhau:
- Ðã là Quan họ kết bạn thì phải khác giới, khác làng, đều là anh, là chị, là em của nhau, rất ít khi Quan họ đã kết bạn lấy nhau thành vợ thành chồng. Dù giữ tình bạn kết trong một số năm, hoặc trọn đời, hoặc truyền đời thì các Quan họ vẫn cư xử thân thiết, quý trọng, giữ đường đi lối lại thăm hỏi khi vui buồn đến trọn đời.
- Khi đi hội hè hoặc đi ca hát ở đâu, các Quan họ kết bạn thường hẹn rủ nhau cùng đi. Mỗi khi làng có hội lệ, hoặc những việc vui mừng Quan họ kết bạn cũng thường mời nhau đến nhà ca hát.
- Cũng có sự đùm bọc lẫn nhau về vật chất những khi một ai đó trong nhóm Quan họ kết bạn gặp hoạn nạn, khó khăn.
- Trong giao tiếp thường giữ gìn phong độ lịch sự từ ngôn ngữ, cử chỉ, khi đứng, khi ngồi; từ chén nước, miếng trầu, mâm cơm thết bạn...đều biểu lộ sự tôn trọng, quý mến lẫn nhau. Không có sự suồng sã, thô lỗ, trong giao tiếp Quan họ.

B - Tục rủ bọn

Muốn đi hát Quan họ phải có bọn: bọn nam hoặc nữ. Từ bọn xưa có lẽ không mang nhiều nghĩa xấu như hiện nay.
Có nơi do các anh nhớn Quan họ, chị nhớn Quan họ đứng ra rủ bạn cho các em bé Quan họ. Nhưng cũng có nhiều nơi do lòng yêu thích ca hát Quan họ, còn gọi là chơi Quan họ, những chàng trai, cô gái, 15,16,17 tuổi tự rủ nhau thành bọn rồi tìm đến một vài anh nhớn, chị nhớn hoặc vài cụ Quan họ để học ca hát, rồi nhờ các bậc đi trước đưa đường, chỉ lối, bắc cầu cho tìm nơi kết bạn...
Mỗi bọn Quan họ thường có 4,4,6 người và được đặt tên từ chị Hai, chị Ba, chị Tư, chị Năm hoặc anh Hai, anh Ba, anh Tư, anh Năm, có đôi làng có đến anh Sáu, chị Sáu. Nếu số người đông đến 7,8 người thì có thể đặt thêm: anh Ba (bé), chị Tư (bé)v.v..mà không đặt anh Bẩy, chị Tám v.v....Không có chị cả, anh cả trong bọn Quan họ.
Khi ra hội hoặc giao tiếp giữa các Quan họ, thường gọi nhau bằng tên anh Hai, chị Ba...hoặc liền anh Quan họ, liền chị Quan họ mà không gọi tên thật. Vùng Quan họ, xưa, trong khẩu ngữ, người ta không nói đàn ông, đàn bà để phân biệt nam, nữ mà nói: liền ông, liền bà.
Trong một bọn Quan họ, tuy chia ra anh Hai, Ba, Tư, Năm...nhưng họ sống bình đẳng, đùm bọc, thương yêu, gắn bó cùng nhau. Cả ngày lao động, nhưng đêm đến, họ thường rủ nhau ngủ bọn ở nhà một anh nhớn, chị nhớn nào đấy để học câu luyện giọng. Trước tiên là học đủ lối, đủ câu; luyện giọng sao cho mẫm, cho nền, cho vang, cho ngọt, cho nẩy, cho rền. Sau đó là tập nói năng, lề lối ứng xử, giao tiếp, rồi mới tiến đến chỗ đi hát hội, kết bạn, hát canh, hát thi. Cao hơn nữa là biết đặt câu (sáng tác lời thơ làm lời ca), bẻ giọng (phổ nhạc cho thơ) và ứng đối kịp thời.
Những bọn Quan họ này thường là bạn trọn đời cả trong ca hát và ở đời thường.
Họ phải ghép và luyện sao cho từng đôi một thật hợp giọng nhau, để đi ca hát. Thường mỗi đôi hát một số bài, lần lượt thay nhau cho trọn canh hát. Có những đôi nam, đôi nữ nổi tiếng đủ lối, đủ câu, giọng vang như chuông...trong giới Quan họ trong những thời điểm khác nhau, ở những thế hệ khác nhau.

C - Trang phục khi ca hát Quan họ

1 - Trang phục nam Quan họ
Nam mặc áo dài 5 thân, cổ đứng, có lá sen, viền tà, gấu to, dài tới quá đầu gối. Thường mặc một hoặc hai áo cánh, sau đó đến hai áo dài. Chất liệu để may áo cánh và áo dài bên trong thường là các loại vải màu trắng như diềm bâu, vải cát bá, vải phin, vải trúc bâu. ở những vùng nuôi tằm, kéo tơ, các áo trong bằng sồi hoặc lụa...Riêng áo dài bên ngoài thường màu đen, chất liệu là lương, the, đôi khi có một vài người khá giả hơn thì áo ngoài may bằng đoạn mầu đen, cũng có người áo dài phủ ngoài may 2 lần: một lần ngoài bằng lương hoặc the, đoạn, lần trong bằng lụa mỏng màu xanh cốm, xanh lá mạ non, màu vàng chanh...gọi là áo kép.
Quần dài trắng, ống rộng, may kiểu có chân què, dài tới mắt cá chân. Chất liệu may quần cũng bằng diềm bâu, phin, trúc bâu. Cũng có khi bằng lụa truội, màu mỡ gà. Có thắt lưng nhỏ để thắt chặt cạp quần.
Chân đi dép đen theo kiểu dép Gia định. Nhiều người đi guốc. Vào đầu giữa thế kỷ XX, người ta cũng đi giầy vải, giầy da, kiểu du nhập từ nước ngoài vào.
Ðầu đội khăn bằng nhiễu hoặc khăn xếp được làm bán sẵn ở các cửa hàng. Hồi đầu thế kỷ XX, đàn ông còn nhiều người búi tó thì khăn nhiễu hoặc khăn xếp đều có mảng nhiễu hoặc vải mỏng che búi tó. Sau này, đàn ông cắt tóc, rẽ đường ngôi, thường dùng các loại khăn xếp bán sẵn ở cửa hàng.
Ðể tránh nắng mưa, các nam Quan họ thường dùng nón chóp lá thường hoặc nón chóp dứa, có quai lụa màu mỡ gà. Cũng có khi dùng ô màu đen.
Mỗi người thường có một khăn tay bằng lụa hoặc bằng các loại vải trắng, rộng, dài hơn khăn mu-xoa, gấp nếp, gài gọn trong vành khăn, thắt lưng hoặc trong túi trong.

2 - Trang phục của nữ Quan họ
Người ta thường nói Quan họ nữ mặc áo mớ ba mớ bẩy có nghĩa là Quan họ có thể mặc ba áo dài lồng vào nhau (mớ ba) hoặc bẩy áo dài lồng vào nhau (mớ bẩy). Nhưng trong thực tế, các Quan họ nữ thường mặc mớ ba (ba áo dài lồng vào nhau).
Kiểu áo dài nữ cũng là kiểu năm thân, có cài khuy, khác với kiểu tứ thân thắt hai vạt trước, xưa con gái thường mặc trong hội hè, cưới xin.. mà ngày nay có thể thấy các cô gái (nhân vật) trong nghệ thuật thường mặc.
Chất liệu để may áo đẹp nhất xưa là the, lụa. áo ngoài thường mang màu nền nã: màu nâu già, nâu non, màu đen, màu cánh dán...áo dài trong thường nhuộm màu khác nhau: màu cánh sen, màu hoa hiên, màu thiên thanh, màu hồ thuỷ, màu vàng chanh, màu vàng cốm, v.v....aó cánh mặc trong có thể thay bằng vải phin trắng, lụa mỡ gà...Yếm có thể may bằng vải màu, đẹp nhất là lụa truội nhuộm các màu hoa đào, cánh sen, màu mận chín đỏ thắm, cũng có thể chỉ để yếm màu trắng.
Cổ yếm của Quan họ nữ ở tuổi trung niên thường may yếm cổ xẻ, các cô gái trẻ thích mặc yếm cổ viền và nhuộm màu, có giải yếm to buông ngoài lưng áo và giải yếm thắt vòng quanh eo rồi thắt múi phía trước cùng với bao và thắt lưng.
Bao của các cô gái Quan họ xưa thường bằng sồi se (dệt bằng thứ tơ đã se sợi), màu đen, có tua bện ở hai đầu bao, khổ rộng, có thể đựng túi tiền mỏng ở trong bao rồi thắt gọn ngang eo, luồn qua lưng áo dài, bó chặt lấy ba thân áo trước, thắt múi to để che phía trước bụng.
Thắt lưng là loại bao nhỏ bằng chừng 1/3 bao, dùng để thắt chặt cạp váy vào eo, thường là lụa nhuộm các màu tươi sáng như: màu hoa lựu, màu hoa đào, màu hoa hiên tươi, màu hồ thuỷ...Thắt lưng cũng buộc múi ra phía trước để cùng với múi bao, múi giải yếm tạo nên những múi hoa màu sắc phía trước người con gái.
Thắt bao và buộc múi các bao cũng là một nghệ thuật làm đỏm (làm đẹp) của các cô gái Quan họ, góp phần tạo nên vẻ đẹp của những cô gái thắt đáy lưng ong của một thời.
Váy của Quan họ là váy sồi, váy lụa, đôi khi có người mặc váy kép: váy trong bằng lụa, vải màu, váy ngoài bằng the, lụa. Váy màu đen. Người biết mặc váy khéo là không để váy hớt trước, không để váy quây tròn lấy người như mặc quầy mà phải thu xếp sao cho phía trước rủ hình lưỡi chai xuống gần tới mu bàn chân, phía sau hơi hớt lên chớm tầm đôi con khoai phía gót chân.
Dép của Quan họ nữ là dép cong, làm bằng da trâu thuộc theo phương pháp thủ công; có một vòng tròn bằng da trên mặt dép để xỏ ngón chân thứ hai (bên cạnh ngón chân cái) khiến khi đi lại, không rơi được dép. Mũi dép uốn cong và người thợ làm dép phải biết nện, thuộc cho mũi dép cứng, như một lá chắn nhỏ, che dấu đầu các ngón chân.
Hiếm khi người Quan họ nữ đi bít tất.
Người Quan họ đội khăn đen bằng vải láng hoặc the thâm. Muốn đội khăn, trước tiên phải biết quấn tóc trong một khăn vấn tóc, xong, vòng khăn vấn tròn lại và đặt tròn trên đầu, hơi xệ và hình bầu dục về phía gáy, ghim lại. Ðặt khăn vuông đã gấp chéo thành hình tam giác lên vòng khăn tóc đã vấn, bẻ hình mỏ quạ chính giữa đường rẽ ngôi của tóc, bắt hai góc khăn về 2 phía tai, rồi thắt múi lại đằng sau gáy. Sau khi đội khăn xong, khuôn mặt người con gái trắng hồng sẽ nổi lên giữa màu đen của khuôn khăn mỏ quạ và hai mớ tóc mai đôi bên bờ má, tạo nên hình búp sen hồng.
Ðể mỏ quạ cụp xuống thấp quá trước trán sẽ làm khuôn mặt tối tăm đần độn...Cho nên, đội khăn là một ttrong những nghệ thuật làm đẹp rất quan trọng của cô gái Quan họ và phụ nữ Việt Nam một thời. Nón ba tầm là nón chũng của phụ nữ Việt một thời nhưng lại gắn liền và được làm đẹp, làm duyên hơn lên khi gắn bó với cô gái Quan họ. Nón làm bằng lá cọ có độ tuổi vừa phải. Lá cọ già màu vàng sẫm để làm chóp lá già, nón của mọi người, cả đàn ông, đàn bà dùng che mưa nắng khi lao động. Lá chọn để làm nón ba tầm đẹp nhất là khi khô kiệt không màu vàng sẫm, cũng không màu vàng trắng (như nón bài thơ xứ Huế) mà mang một màu vàng sáng, hơi đanh mặt, khiến khi kết thành nón, hình tròn và các đường nét của lá kết nón toả ra từ tâm điểm của hình tròn kia chạy đến bờ nón như sự toả sáng, làm người ta liên tưởng đến mặt trời và sự toả sáng như một số khách nước ngoài đã liên tưởng về "những cô gái xứ mặt trời, mang vành nón mặt trời", hát những bài ca mặt trời...
Mặt phía trong của nón, càng về sau này người ta càng hay trang trí hình hoa, hình bướm, hình chim loan, chim phượng mỏ cắp phong thư...bằng giấy trang kim màu vàng hoặc bạc.
Quai nón được se bện bằng tơ tằm, cũng có khi bằng tơ dứa màu vàng, trắng; đôi đầu quai, mỗi bên có 2 hoặc 3 thao tua được kết, bện một cách nghệ thuật. Vì vậy quai nón ba tầm còn được gọi là quai thao.
Gắn liền với trang phục ngày hội, các cô gái Quan họ xưa cũng yêu đồ trang sức khuyên bạc, khuyên vàng, hoa vàng đeo tai; nhẫn bạc, nhân vàng đeo ngón tay; dây xà tích có ống vôi hình quả đào bằng bạc và túi dựng trầu (giầu) bằng lụa đeo ở thắt lưng; khăn tay lụa gài ở vành bao v.v...

3 - Trang phục Quan họ ở Ðoàn dân ca Quan họ Hà Bắc
Cũng như mọi hiện tượng văn hoá, trang phục của người cũng luôn luôn biến chuyển theo một quá trình đào thải và sáng tạo mới cùng với sự phát triển của kinh tế, văn hoá, xã hội...
Trang phục Quan họ của Ðoàn DCQH kể từ 1969 khi thành lập Ðoàn cho đến nay (1993) cũng có những nét biến chuyển.
Về kiểu dáng, đường nét của trang phục Quan họ nam cũng như Quan họ nữ, Ðoàn DCQH, xuất phát từ một quá trình có nghiên cứu học hỏi nên những trang phục đó giữ được gần như nguyên vẹn kiểu dáng, đường nét xưa.
Nhưng do yêu cầu phải ca hát trên sân khấu, chịu sự chi phối của mĩ thuật sân khấu, sự chi phối của yêu cầu thẩm mĩ ngày càng cao đối với sân khấu, đồng thời chất liệu để may ngày cũng có nhiều mặt hàng tốt, đẹp... nên, trang phục Quan họ của Ðoàn DCQH có thay đổi rõ ở một số mặt:
Về màu sắc, có biến đổi rất nhiều, tạo nên sự rực rỡ, tươi sáng; trang phục có tính sân khấu khá rõ.
Về chất liệu, hầu hết là những mặt hàng sang trọng, đắt tiền; xưa, thời Quan họ truyền thống, chưa thể có.
Cách mặc trang phục, và hoá trang thể hiện rõ những yêu cầu mới của trang phục, hoá trang cho những người biểu diễn sân khấu mang tính chuyên nghiệp.
Tuy có những biến đổi trên, nhưng do nhận thức được những nét tinh hoa của vẻ đẹp trang phục Quan họ cổ truyền, nên nhiều diễn viên Ðoàn DCQH vẫn giữ được, giới thiệu được vẻ đẹp độc đáo của trang phục Quan họ, hoà hợp vẻ đẹp này với phong cách và âm thanh ca hát Quan họ...tạo nên những biểu tượng về sự tài hoa, thanh lịch, nền nã, duyên dáng của người Quan họ xưa trên sân khấu Quan họ đương đại.
Dù vậy, vẫn cần sự am hiểu sâu sắc, sự trân trọng chân thành di sản văn hoá cổ truyền mới có thể có những thành tựu trong sự cách tân trang phục Quan họ.


D - Một số điểm trong giao tiếp Quan họ
Nề nếp Quan họ đòi hỏi mọi người khi đã đến với quan họ đều phải lịch sự, trang nhã từ trang phục, cử chỉ, ngôn ngữ, khi ăn, nói, lúc đứng ngồi... cho đến miếng trầu, chén nước.
Cho nên giao tiếp trong ca quan họ là một mảng giá trị đẹp trong văn hoá lối sống, văn hoá giao tiếp của một thời.

1 - Mời và tiếp khách Quan họ
Một nhóm Quan họ này muốn mời một nhóm Quan họ đến nhà mình ca hát một canh thì cũng phải biết mời theo lề lối.
Sau khi đã hẹn trước ngày sẽ sang mời, nhóm đi mời thường đi ít nhất là hai người mang theo một cơi trầu đến làng Quan họ của bạn. Khi đến nơi, bên chủ thường đã tụ họp đủ cả nhóm Quan họ ở nhà hẹn nào đấy để đón. Trước nhóm Quan họ và có cả thày, mẹ của anh Hai, hoặc chị Ba (căn nhà đã hẹn), những người mời phải đặt cơi trầu lên bàn rồi trang trọng nói: ... "Năm, năm mới, tháng, tháng xuân, trước là thăm thày, thăm mẹ, chúc thày, chúc mẹ sống lâu, giàu bền, sau là thăm anh Hai, anh Ba, anh Tư, anh Năm, đương (đông). Quan họ liền anh, chúc đương Quan họ liền anh năm mới thêm tài, thêm lộc, sau nữa là ngỏ lời xin phép thày mẹ, mời anh Hai, anh Ba, anh Tư.... đương Quan họ liền anh, đến ngày X tháng Y, đến vui hội cùng làng em, cùng chúng em ca vui một canh cho vui dân, vui hội, cho chị em chúng em học đòi đối lối, đôi câu...". Thường là Quan họ bạn nhận lời, làm cơm thết bạn và thế nào tối hốm đó cũng "ca dăm câu" để mừng cuộc hội ngộ, sau đó, bên được mời ân cần tiễn đưa bên đi mời một đoạn đường dài khỏi làng mình mới trở lại.
Sau khi biết bạn nhận lời, bên đi mời về tấp nập sửa soạn: Luyện tập ca hát, lo xếp đặt, trang hoàng căn nhà sẽ là nơi gặp gỡ ca hát, lo đóng góp tiền nong mua sắm thức ăn, thức uống, lo người nấu nướng khéo léo v.v...
Ðúng hẹn khách đến, bên chủ phải ra tận đầu làng đón khách đưa về điểm sẽ hát. Với nét mặt hồ hởi, hân hoan thái độ ân cần niềm nở, chủ lấy thau, khăn mặt, mời khách đi rửa mặt, chân tay rồi
đón khách vào nhà.
Trong nhà đón khách đã kê, xếp bàn, ghế, giường phản sạch sẽ, gọn gàng với đông đảo các bậc cha mẹ, bạn bè cùng mừng vui đón khách.
Mời khách uống nước, xơi trầu, chuyện trò thăm hỏi thân tình thắm thiết.
Nước uống mời Quan họ, nhiều nơi pha trà ướp hương sen, hoặc hương sói, hương ngâu, hương nhài, hương bưởi.
Miếng trầu cũng phải bổ miếng cau, lạng miếng vỏ sao cho mịn đường dao. Cau chọn loại vừa đến hạt - Lá trầu tìm cho được là trầu ngon vừa cay vừa thơm. Vỏ ngon nhất vẫn là loại vỏ sen, mềm, mịn, dày cùi, vị chát ngọt. Nếu trời lạnh, trong miếng trầu têm cánh phượng có cài thêm chút quế hoạch chút hồi cho thêm thơm, thêm nồng, thêm đượm. Có nơi nhuộm vôi trắng thành vôi hồng.
Sau khi mời trầu, nước, Quan họ bắt đầu vào canh hát.
Ðến chừng nửa đêm, Quan họ chủ thường mời Quan họ khách ăn tiệc mặn, hoặc tiệc ngọt hoặc cả hai.

2 - Tiệc mặn Quan Họ
Tuỳ theo từng làng, cũng có những nét riêng. Nhưng nhìn chung, cỗ mời Quan họ ăn thường là cỗ to, bày ba dàn trên mâm khi mới bưng lên. Những món ăn thường là những món trong cỗ ngày hội, ngày khao: các loại giò (giò nạc, giò mỡ, giò thủ, giò hoa...), măng, miến, mọc, bóng... cỗ to nhưng quan trọng nhất vẫn là Lời chào cao hơn mâm cỗ. Các Quan họ chủ chia nhau ân cần mời mọc Quan họ khách: "Năm, năm mới, tháng, tháng xuân, mỗi năm có một lần vui hội...Thôi thì, bây giờ canh đã quá khuya, anh em chúng em xin mời chị Hai, chị Ba, chị Tư, chị Năm... Quan họ uống chén rượu mừng xuân, mừng hội, vui bàu, vui bạn... rồi sau đây lại ca xướng cho tan canh mãn võ, cho tàn đêm ngày ... đấy ạ".
Những làng có tục mời Quan họ rượu thì thường mỗi người bưng một chén rượu nhỏ mời từng người, vừa mời, vừa hát bài:
Ðôi tay nâng chén rượu đào
Ðổ đi thì tiếc, uống vào thì say
.... Tay nâng đĩa muối, đĩa gừng
Gừng cay muối mặn, xin đừng quên nhau...
Nhưng có nơi không mời Quan họ uống rượu thì dù bữa ăn có sửa soạn to đến đâu, Quan họ cũng gọi là cơm Quan họ mà không gọi là Cỗ Quan họ. Xưa, tục không mời uống rượu khi mời quan họ ăn khi hát được các Quan họ ở Diềm và Bịu giữ thành lệ.
Tiệc ngọt Quan họ bao gồm các món bánh ngọt và chè thường làm vào các ngày hội lệ của làng. Có khi có cả cam, bưởi, mía.
Tuỳ theo từng nơi có các loại bánh: Bánh trưng, bánh giò, bánh gai, bánh mật, bánh xu xê, bánh chè lam ngũ vị, bánh bỏng v.v...
Các loại chè: chè đường bột lọc, chè đỗ đãi, chè con ong v.v...
�n xong, Quan họ lại tiếp tục ca hát, và ngay khi các Quan họ khách ăn uống, Quan họ chủ chỉ cử người tiếp, còn các nhóm Quan họ khác trong làng vẫn có thể ca hát cùng nhau.
Quan họ giã bạn (Chia tay) vào khoảng canh tư (gần sáng) . Không phải chỉ cư xử như vậy vào những dịp mời Quan họ đúng dịp hội làng mà mỗi khi mời Quan họ vào những dịp vui mừng nào đó để ca hát cũng đều cư xử, mời đón, thết đãi như vậy. Khi, trong những nhóm quan họ đã kết bạn hoặc có tình ý thân, có người đau yếu, hoạn nạn, họ cũng thường rủ nhau đi thăm hỏi, quà cáp, có khi góp nhau là để giúp đ ỡ cả về tiền.
Trong sinh hoạt văn hoá Quan họ thật sự tồn tại một tình người thắm thiết thuỷ chung.
Cùng với sự bình đẳng, tương thân, tương ái, người Quan họ rất coi trọng những người đi trước, các lớp Quan họ trước, biết ứng xử có trước, có sau, có trên, có dưới. Những việc làm, những lời răn bảo, khuyên can, chỉ dẫn... của người đi trước thường được tôn trọng. Sự có mặt của các Quan họ lớp trước trong mọi cuộc sum họp ca xướng Quan họ thường là niềm tự hào, niềm vui của Quan họ lớp trẻ. Bao giờ các bậc đi trước cũng được đối sử một cách quí trọng chân thành. Mối quan hệ này liên quan chặt chẽ đến sự bảo tồn và phát triển các thành tựu văn hoá, nghệ thuật Quan họ nói chung, màu sắc, phong cách đa dạng của mỗi làng nói riêng.

3 - Ngôn ngữ, cử chỉ trong giao tiếp Quan họ
Ngày xưa, người các vùng không có Quan họ đến với vùng Quan họ thường có nhận xét: "Người quan họ nói như có văn có sách".
Ngôn ngữ của người Quan họ là một ngôn ngữ giàu chất thi ca của ca dao, tục ngữ, chuyện nôm, nhất là truyện Kiều.
Ví dụ nói: "Bây giờ gặp mặt nhau đây mà cứ ngỡ như là chuyện chiêm bao... "Câu nói này khiến ta liên tưởng đến những chữ đã dùng trong 2 câu thơ truyện Kiều:
Bây giờ gặp mặt đôi ta
Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao
Ví dụ nói để khen bạn: "Thưa anh Hai, anh Ba... thật là thơm cây, thơm rễ, người giồng (trồng) cũng thơm, đấy ạ!". Câu nói này khiến ta nghĩ ngay đến câu ca dao:
Người như hoa quế thơm lừng
Thơm cây, thơm rễ, người giồng (Trồng) cũng thơm.
Ngôn ngữ giao tiếp của người Quan họ tuy mềm mại, khéo léo, tinh thế, nhiều khi bóng bẩy, lững lờ... nhưng không gợn lên những ẩn ý dối trá, lừa lọc mà đậm đà tình người, sự tôn trọng giữa người và người luôn hướng tới sự giàu đẹp, của ngôn ngữ. Vì vậy, người Quan họ không thích, không chấp nhận sự thô kệch, vụng về trong ngôn ngữ.
Cho nên, khi các em bé được các anh nhớn, chi nhớn quan họ rủ bọn để luyện ca hát thì cũng hướng dẫn các em "học ăn, học nói, học gói, học mở" để sau này giao tiếp trong Quan họ.
Người Quan họ cũng rất coi trọng sự lịch thiệp, thanh nhã trong mọi việc cử chỉ giao tiếp.
Từ việc đỡ ô, đỡ nón khi đón bạn, nâng cơi giầu (trầu) mời bạn, nâng chén nước, chén rượu, đến dáng đi, dáng đứng, thế ngồi, cái miệng, đôi mắt, tư thế khi chuyện trò cùng bạn.v.v.... gần như đều có chuẩn mực thế này là phải, là duyên, thế kia là không phải, vô duyên.
Có những người, những nhóm hát hay, thuộc nhiều bài, nhưng cử chỉ giao tiếp kém cũng không có nhiều bạn muốn hát cùng, muốn kết bạn, thậm chí kết bạn rồi cũng lại nhạt dần rồi thôi.
Một chùm hoa bưởi đặt trong cơi trầu, một nhành hoa sói cài trên mái tóc nép kín vào vành khăn hoặc dấu trong khăn tay... vốn là sự tinh tế của người Quan họ.
Phong tục, lề lối trong hát Quan họ là một hệ thống qui ước không thành văn, không do một ai ban bố, nhưng, từ đời này qua đời khác, những quy ước ấy lần lượt ra đời và được mọi người tuân thủ, tuy có những chi tiết khác nhau nhưng mang tính thống nhất cao trong toàn vùng Quan họ.
Hệ thống qui ước ấy được hình thành do những yêu cầu tồn tại, duy trì, phát triển hoạt động ca hát Quan họ, nhưng cũng chịu sự chi phối trực tiếp của toàn bộ phong tục tập quán của cộng đồng dân cư vùng Quan họ, trở nên một bộ phận gắn bó khăng khít với toàn bộ phong tục tập quán của một vùng văn hoá.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Qúa trình phát triển của quan họ Bắc Ninh

Lịch sử, nguồn gốc quan họ Bắc ninh

Tên gọi của quan họ Bắc Ninh