Sức sống của quan họ bắc ninh sau 5 năm được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới

Thời gian qua đi, di sản Dân ca Quan họ vẫn không ngừng được cộng đồng gìn giữ, bồi đắp và thăng hoa. Sau gần 5 năm được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại – Dân ca Quan họ Bắc Ninh đã thực sự bám rễ, ăn sâu trong đời sống người dân không chỉ ở Bắc Ninh mà còn được nhiều cộng đồng vùng miền khác đón nhận và thực hành.
Có lẽ, trong nền cổ nhạc Việt Nam nói chung và trong số 8 di sản văn hóa phi vật thể thế giới của Việt Nam nói riêng, Dân ca Quan họ Bắc Ninh là một di sản hiếm hoi có được sức sống dồi dào với sự phổ biến rộng khắp đến thế. Điều này hoàn toàn xác thực vì nó được chứng minh bằng những con số cụ thể. Từ 44 làng Quan họ gốc đến nay Bắc Ninh đã phát triển được 329 làng Quan họ thực hành với hơn 8.000 người tham gia. Có 213 giọng (làn điệu) khác nhau với hơn 500 bài Quan họ cổ được sưu tầm, ghi âm, ký âm. Các thiết chế văn hóa Quan họ từng bước được đầu tư phục dựng và bảo tồn.
Trong công tác sưu tầm và nghiên cứu khoa học, Bắc Ninh phục dựng và ghi hình 4 hình thức hát Quan họ cổ như: Hát chúc mừng, hát thờ, hát hội, hát canh; sản xuất và phát hành hơn 20 nghìn bản DVD “Về miền Quan họ” phần I và phần II. Nhiều đầu sách về văn hóa Quan họ được xuất bản và tái bản.
Nghề chơi Quan họ với không gian và các hình thức diễn xướng cổ truyền vẫn được bảo tồn song song với hình thức biểu diễn trên sân khấu. Ở Bắc Ninh bây giờ, khắp xóm làng và các tổ dân phố, đâu đâu cũng có những tổ, đội, nhóm, CLB Quan họ từ bình dân đến chuyên nghiệp. Các nghệ sỹ nhà hát và nghệ nhân các làng Quan họ tích cực tham gia biểu diễn, giới thiệu, quảng bá tại khắp các tỉnh, thành phố trong nước và nhiều quốc gia như: Lào, Hàn Quốc, Trung Quốc, Cộng hoà Séc, Pháp... Số lượng người thực hành Quan họ không ngừng tăng lên khẳng định chỗ đứng vững chắc của di sản trong đời sống hôm nay và mai sau.
Công tác truyền dạy được các cộng đồng thực hiện bằng nhiều biện pháp như các nghệ nhân truyền dạy trực tiếp tại nhà, thành lập các CLB Quan họ ở nhiều lứa tuổi, liên kết mở các lớp truyền dạy… Có thể thấy, nếu việc đưa các di sản thế giới khác như Ca trù, cồng chiêng Tây Nguyên, ca Huế… vào dạy trong trường phổ thông vẫn là một vấn đề phải bàn thảo và cân nhắc thì Dân ca Quan họ Bắc Ninh đã triển khai thực hiện từ 2 năm về trước. Tài liệu giảng dạy Dân ca Quan họ trong các trường phổ thông được biên soạn xuất bản phù hợp với trình độ lứa tuổi từng cấp học. Hơn 600 giáo viên được tập huấn để truyền dạy cho học sinh.
Sức sống của di sản tuy không thể chỉ đánh giá bằng diện mạo bề ngoài qua những con số thống kê đơn giản bởi cái căn cốt để giữ gìn di sản chính là các thế hệ nghệ nhân. Bảo tồn di sản truyền thống đồng nghĩa với bảo tồn nghệ nhân nên tỉnh Bắc Ninh kịp thời tôn vinh 41 nghệ nhân Dân ca Quan họ đợt 1 năm 2010 và chuẩn bị vinh danh đợt 2. Chế độ, chính sách đãi ngộ nghệ nhân cũng sớm được triển khai vừa góp phần động viên, khuyến khích nghệ nhân lão thành truyền dạy vừa thu hút lớp nghệ nhân trẻ tuổi tham gia thực hành di sản.
Sau 5 năm trở thành di sản thế giới - Di sản Dân ca Quan họ với sự phong phú về hình thức diễn xướng cùng với sự trân trọng trong cách sáng tạo đổi mới của cộng đồng sở hữu đã làm cho di sản lan tỏa cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Góp phần quan trọng vào những kết quả đó là sự đoàn kết, cố gắng nỗ lực của đội ngũ cán bộ, lãnh đạo và công nhân viên chức ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Qúa trình phát triển của quan họ Bắc Ninh

Lịch sử, nguồn gốc quan họ Bắc ninh

Tên gọi của quan họ Bắc Ninh